Cuối năm, gửi ngân hàng hay đầu tư bất động sản?

Giằng co tâm lý đầu tư Bất động sản cuối năm: “ôm tiền” hay “đi săn”; Ngân hàng Nhà nước tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 – 2%, nền kinh tế ước có thêm đến 200.000 tỷ đồng; Dòng vốn sẽ chảy qua các tỉnh nếu TP.HCM đánh thuế Bất động sản thứ 2... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Giằng co tâm lý đầu tư bất động sản cuối năm: “ôm tiền” hay “đi săn”?

Trong khi các các đợt tăng lãi suất khiến nhà đầu tư ngần ngại tham gia thì trường thì thông tin nới room tín dụng lại mang đến tâm lý tích cực. Trên các diễn đàn đầu tư Bất động sản đang xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều về việc đầu tư đón đầu vào thời điểm trầm lắng hay tích trữ vốn chờ tín hiệu rõ ràng hơn.

Anh Khánh (Hà Nội, làm việc tại TP.HCM) cho rằng nếu tận dụng được nguồn tín dụng cuối năm thì vẫn nên đầu tư vào bất động sản. “Bất động sản không phải là kênh sinh lời chính của tôi mà chỉ là phương tích lũy tài sản. Trước khi đầu tư tôi phải dự phòng khoản tiền để duy trì kinh doanh chính, vốn không nhiều nên tôi kết hợp với bạn bè thành nhóm đầu tư. Nếu cuối năm vay được ngân hàng thì có thể dùng khoản dự phòng kinh doanh để đầu tư đất, năm sau thị trường phất lên thì bán đi vẫn có lời”, anh Khánh cho biết.

Nhà đầu tư cho biết khả năng tiếp cận tín dụng cao vì doanh nghiệp của anh hoạt động khá ổn định qua mùa dịch, các khoản vay ngân hàng đều tất toán đúng hạn, và anh xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với ngân hàng khu vực.

Tâm lý người mua nhà suy giảm, giá căn hộ Hà Nội sẽ rớt mạnh vào năm 2023?

Giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp Hà Nội được dự báo sẽ giảm từ 3-5% và nhiều khả năng sẽ có thêm các chương trình giảm giá bán cho người mua nhà không sử dụng đòn bẩy tài chính, trong bối cảnh lãi suất tăng và hạn mức tín dụng hạn chế.

Nói về phân khúc căn hộ, đơn vị này cho biết, tại Hà Nội, thị trường căn hộ Hà Nội trong quý 3.2022 sụt giảm cả về số lượng mở bán mới (-22% so với quý trước xuống 3.640 căn) và lượng tiêu thụ (-39% so với quý trước về 3.624 căn). Phân khúc cao cấp và trung cấp lần lượt đóng góp 65%/34% tổng số lượng tiệu thụ. Tỷ lệ hấp thụ trong quý 3.2022 giảm 23% so với quý trước xuống còn 99%. Theo VNDirect, giá bán căn hộ sơ cấp ở phân khúc trung cấp lần đầu tiên ghi nhận giảm sau 3 năm (-3% so với quý trước) sau khi tăng 12,3% trong nửa đầu năm 2022. Trong khi các khu vực khác tăng nhẹ 1-2% so với quý trước trong quý 3.2022. Giá bán trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng nhẹ 1,3% so với quý trước lên 1.896 USD/m2 trong quý 3.2022.

Giải quyết vấn đề pháp lý và vốn cho thị trường bất động sản

Khó khăn chỉ là tạm thời, thị trường bất động sản sẽ phục hồi trong thời gian tới

Đã có những dự báo trái chiều liên quan đến thị trường Bất động sản sắp tới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thị trường khó khăn trong ngắn hạn và sẽ phục hồi trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết trong 3 quý đầu năm 2022, thị trường bất động sản vẫn tốt. Nhưng từ cuối tháng 9, không chỉ bất động sản mà cả nền kinh tế đều “lạnh”, đảo hướng từ rất tốt sang ngày càng xấu. TS. Võ Trí Thành dự báo tình hình khó khăn nhất sẽ rơi vào hai quý đầu năm 2023, do đó cần bám sát thực tế thị trường. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng thị trường bất động sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.

Săn bất động sản “cắt lỗ”: Làm sao để biết người bán đang “ngộp”?

Từ khóa “cắt lỗ” và “hàng ngộp” xuất hiện nhiều trên các sàn giao dịch Bất động sản. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào rao bán cắt lỗ cũng giảm giá đúng nghĩa. Giới chuyên gia chỉ cách quan sát thị trường để xác định đâu là “hàng ngộp”, đâu là sản phẩm “cắt lãi”.

Sau thời gian dài săn hàng “cắt lỗ” không đạt kỳ vọng, anh D. (TP.HCM) nhận ra công cuộc “bắt đáy” thị trường bất động sản ở thời điểm này khó hơn anh tưởng tượng. “Bốn tháng đi xem đất chỉ mất công chứ không có kết quả”, anh D. chia sẻ “Giờ rao xả hàng thì nhan nhản nhưng tìm được hàng tốt thì rất khó. Hàng thực sự tốt thì chủ đất rất khó thương lượng, nhiều người rao khảo giá, khảo nhu cầu chứ không có ý định bán. Đi xem bàn bạc mỏi miệng rồi cuối cùng tay không đi về”.

Dòng vốn sẽ chảy qua các tỉnh nếu TP.HCM đánh thuế bất động sản thứ 2?

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54 với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan về tài chính, ngân sách. Về tài chính ngân sách, cơ bản giữ lại các nội dung của Nghị quyết 54, ngoài quy định về thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường vì không khả thi. Bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ 2 trở lên.

Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 – 2%, nền kinh tế ước có thêm đến 200.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.