Mua BĐS Phát Mãi Từ Ngân Hàng: Có Nên Hay Không?

Những năm gần đây, các ngân hàng rao bán, thanh lý các BĐS thế chấp để thu hồi nợ, không còn là chuyện hiếm. Giá trị chúng có thể từ vài tỷ, thậm chí lên đến vài trăm tỷ. Tuy nhiên, việc mua BĐS từ hoạt động phát mãi, liệu có an toàn?

Mua BĐS ngân hàng phát mãi là gì?

Hiện nay, một trong những giao dịch phổ biến để chủ sở hữu nhà/đất vay vốn ngân hàng, chính là dùng quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp. Song, vì nhiều lý do mà chủ sở hữu không thể trả nợ được cho ngân hàng. Theo quy định tại Điều 299 đến Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, bên phía ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản thế chấp bằng nhiều phương thức, trong đó có hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Vậy, Mua BĐS phát mãi là mua nhà hoặc đất đã bị thế chấp. Theo đó, người thế chấp không đủ khả năng trả nợ, nên tài sản thế chấp bị ngân hàng tịch thu theo quy định pháp luật. Trên thực tế, tài sản thế chấp thường được định giá khoảng 70-80% so với thị trường. Do đó, người mua sẽ có lợi khi mua được tài sản có giá thấp hơn. Ngoài ra, những BĐS này đã trải qua quá trình pháp lý, đánh giá của ngân hàng, nên khách hàng cảm thấy an tâm khi giao dịch.

Tuy nhiên, việc mua BĐS do ngân hàng phát mãi, không “hời” như mọi người vẫn nghĩ. Nó tiềm ẩn một số rủi ro, mà người mua cần phải cẩn thận.

 

Những rủi ro tiềm ẩn mua BĐS phát mãi là gì?

Đầu tiên, rủi ro có thể phát sinh khi người mua nhà phát mại làm việc trực tiếp với người chủ cũ-người bị tịch thu tài sản, thông qua giới thiệu từ ngân hàng. Điều này có nghĩa là người mua BĐS đang giao dịch với người không sở hữu hoàn toàn tài sản. Do đó, người mua cần nắm kỹ các thông tin, để tránh rắc rối và mất nhiều thời gian để giải quyết.

Thứ hai, tài sản phát mại có thể là tài sản nằm trong dự án quy hoạch, hoặc vướng tranh chấp, do tài sản gắn liền với quyền sử dụng tài sản với người khác,… Do đó, người mua BĐS sẽ khó để sử dụng/ bán lại tài sản bị ngân hàng phát mãi.

Thứ ba, người bị tịch thu tài sản không phối hợp với các bên. Nhiều trường hợp sau khi các thủ tục mua bán đấu giá hoàn tất, thì người chủ cũ không đồng ý bàn giao tài sản. Lúc này, người mua cần phải chờ trung tâm bán đấu giá yêu cầu với cơ quan thi hành án tham gia cưỡng chế.

Để tránh những rủi ro tiềm ẩn trên, người mua BĐS phát mãi cần phải làm việc và mua hồ sơ đấu giá tại các trung tâm đấu giá uy tín, để được bảo đảm về tính pháp lý.