LÀM GÌ KHI NHIỆT HUYẾT LÀM VIỆC TRỞ NÊN NGUỘI LẠNH
Trong quá trình làm việc không tránh khỏi những áp lực và khó khăn khiến bạn nản lòng, làm sao để chia sẻ, đổi mới cách làm việc phù hợp với bản thân và tìm nguồn cảm hứng sáng tạo trong công việc sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.
1, Chủ động nhận nhiệm vụ mới:
Công việc lặp đi lặp lại có thể là tác nhân khiến bạn cảm thấy chán nản trong công việc. Bạn sẽ cảm thấy bản thân đang giậm chân tại chỗ quá lâu mà không học hỏi thêm được gì, hay không có được bứt phá nào khác trong lĩnh vực này. Vậy tại sao, bạn không chủ động tìm kiếm bước đi mới?
Bạn có thể chủ động liên hệ với sếp để trao đổi về vấn đề này. Ngoài ra, trong dự án tiếp theo, bạn có thể nhận những nhiệm vụ khác, hoặc hợp tác với những đồng nghiệp khác mà chưa có cơ hội làm việc nhiều. Điều này sẽ khiến công việc được đổi mới, mang đến cho bạn cảm xúc khác biệt.
2, Thử sáng tạo trong công việc:
Thay vì triển khai nhiệm vụ theo phương thức truyền thống, ta có thể tìm kiếm những cách làm mới hơn để “nâng tầm” công việc. Bởi khi ta bắt tay vào làm một điều mới, hứng khởi của chúng ta cũng tăng lên đáng kể bởi vừa làm, vừa tìm tòi khám phá thật thú vị. Đặc biệt, khi “khai sáng” được những điều mới, bạn sẽ cảm thấy công sức mình bỏ ra là vô cùng xứng đáng và đây chính là lúc lửa nhiệt huyết lại một lần nữa được nhen nhóm trở lại.
Sáng tạo trong công việc để bản thân luôn thấy chủ động mọi việc và làm mới mẻ chính mình
3, Chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp:
Khi mệt mỏi, sự sẻ chia chính là điều giúp bản thân ta nhẹ lòng hơn. Nói ra những khúc mắc bản thân đang gặp phải với những người xung quanh sẽ mang đến cho bạn sự nhẹ nhõm, giải thoát. Nếu may mắn, bạn còn có thể tìm được tiếng nói chung, hoặc những lời khuyên hữu ích từ người tiền nhiệm. Từ đó, bạn đã có thêm người đồng hành trong quá trình khó khăn này trên con đường sự nghiệp cũng như có thêm định hướng cho bản thân trong tương lai.
4, Chăm sóc sức khỏe bản thân:
Đôi khi, giảm nhiệt huyết đơn giản là bởi vì sức khỏe không còn đủ để bạn duy trì tinh thần đó. Có thể do lâu ngày bạn chưa ngủ đủ giấc, tinh thần thiếu tỉnh táo nên làm việc không hiệu quả gây chán nản. Hoặc có thể do đã lâu bạn không tập thể dục, các cơ bắp đình trệ, tinh thần thiếu minh mẫn nên khiến cơ thể uể oải. Do đó, lúc này bạn hãy chăm chút bản thân mình hơn để có thêm thật nhiều năng lượng và quay trở lại phiên bản “nhiệt huyết” của chính mình nhé.
5, Tìm nguồn cảm hứng cho chính mình:
Nguồn cảm hứng này chẳng phải điều gì quá xa vời, đơn giản chỉ là một bài hát sôi động, một cuốn sách hay, một bộ phim mới lạ. Những điều này vừa là phương tiện giúp bạn thư giãn đầu óc, bỏ lại mọi công việc phía sau, vừa là nguồn nhiệt huyết làm việc mới.
Bạn nên chọn những bài hát lạc quan, vui tươi thay vì các bài hát đầy tâm trạng. Những cuốn sách thích hợp trong thời điểm này có thể là những quyển sách chia sẻ kinh nghiệm làm việc, kinh doanh, sách học thuật, hoặc đơn giản chỉ là những cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng giúp bạn thư giãn. Nguồn cảm hứng không ở đâu xa, hãy tìm những thứ gần gũi nhất với chính mình.
6, Cho bản thân thời gian:
Khi nhiệt huyết nguội lạnh, bạn có thể cố gắng tiếp tục làm việc để tìm lại “cảm xúc ngày xưa”. Tuy nhiên, đôi khi cố ép mình quá cũng không phải là phương pháp hiệu quả trong tình thế hiện tại. Bởi lúc này, bạn cảm thấy vô cùng chán nản, làm việc thiếu hiệu quả sẽ khiến bạn ngày một nản chí hơn. Do đó, đôi khi biện pháp hữu hiệu nhất lúc này lại là “không làm gì cả”.
Đây là lúc bạn sẽ có thời gian dành riêng cho bản thân mình. Bạn có thể thoải mái nghỉ ngơi, vui chơi, làm những điều mình thích để lấy lại năng lượng. Đừng quên suy nghĩ về những điểm mạnh, điểm yếu, kinh nghiệm của bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp mà mình muốn theo đuổi trong thời gian sắp tới. Trong thời gian này, hãy học hỏi và trải nghiệm thật nhiều để tìm cảm hứng mới, đồng thời nhằm duy trì thói quen tư duy nhé!