Bà Rịa - Vũng Tàu: “Cửa ngõ” vươn ra biển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(TBTCO) - Trong bối cảnh Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do, với lợi thế địa kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm hội đủ các điều kiện trở thành “cửa ngõ” vươn ra biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện thực hóa mục tiêu này, đầu tháng 12/2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Công thương đồng tổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 tại huyện Xuyên Mộc.

Cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: CTV

Nhiều lợi thế trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, con người, xã hội, chính trị, được định hướng sẽ trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia trong tương lai với nhiều lợi thế để phát triển cảng biển.

Bà Rịa - Vũng Tàu được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài, thềm lục địa rộng, nhiều khu vực nước sâu, nguồn tài nguyên biển phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu khí lớn nhất cả nước. Với những lợi thế đó, tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với các nhóm ngành cơ bản như: du lịch biển, cảng biển và dịch vụ logistics cảng biển; công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp và khu công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Về du lịch, với khí hậu ôn hòa, nhiều bãi tắm đẹp, sản vật tự nhiên phong phú, Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê 9 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú du lịch tăng 19,61% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 39,68% so với cùng kỳ, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch ước khoảng 4.108 nghìn lượt, đạt 85,72% kế hoạch và tăng 17,16% so với cùng kỳ; riêng khách quốc tế lưu trú đạt khoảng 203,7 nghìn lượt, đạt 91,34% kế hoạch, tăng 17,18% so với cùng kỳ.

Về phát triển công nghiệp ven biển, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp đang hoạt động và 2 khu công nghiệp chuẩn bị đầu tư. Các khu công nghiệp này đều nằm ở những khu vực gần biển, có lợi thế tiếp cận cảng biển thuận tiện nhằm thu hút đầu tư.

Về công nghiệp khai thác dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu có vai trò quan trọng hàng đầu, được xem là cái nôi của ngành. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo với 7 dự án điện mặt trời nối lưới đã được đưa vào vận hành thương mại, có tổng công suất là 288MWp; đồng thời đang xem xét chủ trương đầu tư dự án điện gió công suất 102,6MW.

Với ngành cảng biển và dịch vụ logistics, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh có luồng sâu tự nhiên, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có khả năng đón tàu trọng tải lớn đến 250.000 tấn (khoảng 24.000TEU). Trên toàn tỉnh hiện có 50 dự án cảng biển đang hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến cảng đạt 17.181m, tổng công suất thiết kế là 160 triệu tấn/năm; có 22 kho bãi và logistics chuyên dùng với tổng diện tích 256 ha. Tính đến hết tháng 9/2024, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,07% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 68 triệu tấn, tăng 24,88% so với cùng kỳ.

Cần sớm thành lập khu thương mại tự do

Trung tâm du lịch cao cấp ven biến Hồ Tràm ở huyện Xuyên Mộc. Ảnh: CTV

Theo Bộ Công thương, logistics đang là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam, với tốc độ phát triển 14 - 16% mỗi năm, quy mô thị trường ước tính đạt khoảng 40 - 42 tỷ USD. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, nhu cầu logistics cũng tăng đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2023, thương mại điện tử bán lẻ đã đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, thúc đẩy sự phát triển của logistics để đáp ứng nhu cầu này.

Việt Nam còn sở hữu cơ sở hạ tầng logistics đa dạng và đang không ngừng mở rộng. Các cảng biển, trung tâm logistics như Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang phát triển thành đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn của khu vực. Với việc thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, Việt Nam sẽ càng nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, góp phần vào hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Chính vì vậy, do Bộ Công thương quyết định phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) với chủ đề “Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2024 tại huyện Xuyên Mộc.

Đây là dịp để các bên thảo luận, đề xuất và kiến nghị triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics của đất nước. Trong đó có đề xuất sớm thành lập khu thương mại tự do tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ Công thương sẽ tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại các cảng, trung tâm logistics lớn trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác bằng đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không.

Trong những năm vừa qua, tỉnh đã có nhiều thành tích trong việc thu hút FDI, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, đóng vai trò dẫn dắt trong liên kết vùng của Đông Nam Bộ. Nhờ nguồn thu ngân sách từ dầu khí, đầu tư phát triển công nghiệp, kinh tế cảng biển và dịch vụ, tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực với cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và là một trong những đô thị dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người. Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng về du lịch, tài chính, cảng biển và logistics.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 24 NQ/TW (ngày 7/10/2022) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và Quyết định 370 QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 4/5/2024) phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng việc "hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Với những lợi thế nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sớm thành lập khu thương mại tự do tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đòn đẩy quan trọng góp phần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo sự cộng hưởng nhằm khơi dậy các tiềm năng sẵn có của địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Thời Báo Tài Chính Việt Nam