Cơ hội vàng cho siêu đô thị miền Đông

Hiện có nhiều ý kiến đề xuất nhập Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu vào TP.HCM, đây là phương án phù hợp để hướng đến xây dựng TP.HCM trở thành siêu đô thị và vùng đô thị. Nếu sáp nhập ba địa phương này sẽ mở ra những cơ hội phát triển, tập trung khai thác, sử dụng và phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả hơn. 

Ba địa phương sẽ bổ trợ cho nhau trong thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển có trọng tâm, ngành nghề mũi nhọn, góp phần tạo nên vùng kinh tế năng động, phát triển nhất của cả nước và Đông Nam Á, kết nối khu vực đô thị Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)...

TS Nguyễn Đình Thái, Chuyên gia quản lý công Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phát triển tam giác du lịch khu vực và quốc tế 

Đầu tiên, tôi cho rằng lợi thế kinh tế là rất lớn khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu với TP.HCM. Bởi theo lý thuyết kinh tế học đô thị, các đô thị lớn có xu hướng thu hút dòng vốn đầu tư mạnh hơn do có lợi thế tập trung kinh tế. Thực tiễn phát triển đô thị Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc) là minh chứng cho việc sáp nhập các tỉnh, TP lân cận, tập trung nguồn lực tạo động lực cho tăng trưởng vượt bậc.

Quy mô GRDP của Bình Dương hiện đạt khoảng 20 tỉ USD, Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 16 tỉ USD, TP.HCM hơn 70 tỉ USD. Tổng quy mô GRDP khi gộp lại đạt hơn 100 tỉ USD (tính đến thời điểm năm 2024). Ba địa phương này cũng luôn nằm trong top 5 các tỉnh, TP có vốn FDI cao nhất cả nước. Do đó, việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn về khai tác hạ tầng, logistics, quản lý quy hoạch, thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn. Đồng thời, tạo lợi thế về khai thác hạ tầng, tạo kết nối giao thông mạnh mẽ, tối ưu hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới.

Thực tiễn của phát triển đô thị lớn trên thế giới là việc đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối đã giúp các đô thị liên kết, phát triển mạnh mẽ, tránh tình trạng phát triển hạ tầng giao thông manh mún...

Các tuyến giao thông quan trọng đang kết nối TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, vành đai 4, cảng Cái Mép - Thị Vải, cùng cảng Cần Giờ sắp được đầu tư xây dựng, được đánh giá có khả năng liên kết mạnh mẽ về giao thông, giao thương, phát triển hạ tầng logistics trong khu vực.

Một ưu điểm nữa khi nhập ba địa phương này vào làm một là tăng cường kết nối đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giảm ùn tắc giao thông cho TP.HCM nhờ quá trình thay đổi cấu trúc đô thị. Khi đó, dân cư sẽ phân bổ về các đô thị vệ tinh như Thủ Dầu Một, TP mới Bình Dương, TP Phú Mỹ, TP Bà Rịa…

TP.HCM với lợi thế dân số đông, dân cư có thu nhập cao, có các trung tâm du lịch MICE (hội họp, khuyến khích, hội nghị, triển lãm), giải trí…; Bình Dương có du lịch sinh thái, công viên nước, làng nghề truyền thống (ví dụ gốm sứ, sơn mài, chạm trổ điêu khắc, mây tre đan…). Trong khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu là TP biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, casino, golf, du lịch, dầu khí… Chắc chắn khi ba địa phương kết hợp sẽ tạo nên tuyến du lịch liên hoàn, khép kín và có sự liên kết với quốc tế.

TP.HCM và Bình Dương đang được kết nối bằng dự án Quốc lộ 13, đoạn qua Bình Dương đang được mở rộng lên tám làn xe, còn đoạn qua TP.HCM đang được xem xét mở từ 4-6 làn xe lên 10 làn xe. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tạo thị trường lao động nhộn nhịp

Nếu sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu vào với nhau còn tạo nên những lợi thế cạnh tranh lớn về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

TP.HCM là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất của cả nước với nhiều trường ĐH uy tín như Bách khoa TP.HCM, Kinh tế - Luật, Kinh tế TP.HCM, Y Dược TP.HCM… Bình Dương lại có nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ cao, nhân lực quản lý sản xuất chất lượng cao, lao động có tay nghề. Còn Bà Rịa-Vũng Tàu có nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí, cảng biển, logistics, du lịch cao cấp.

Dưới góc độ quản trị đô thị, ba địa phương này nhập làm một sẽ tạo điều kiện rất lớn để nâng cao chất lượng quản lý đô thị, ứng dụng mô hình quản trị đô thị thông minh, giao thông thông minh, dân cư thông minh, kinh tế thông minh… từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Dù vậy vẫn có những thách thức trước mắt nếu sáp nhập ba địa phương làm một. Chẳng hạn, quy mô lớn trong khi năng lực quản lý đô thị chưa tương xứng; thể chế còn bất cập; tầm nhìn, quy hoạch phát triển chung chưa định hình kịp thời; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin chưa theo kịp quy mô, nhu cầu và tốc độ phát triển kinh tế…

Theo Pháp luật