Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành
Thứ tư, 26/10/2022 | Tin tức, Tin thị trường
Có 3 nội dung liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị có ý kiến nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam -VEC đề xuất.
Kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc
Trong nội dung văn bản, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có ý kiến về nội dung đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đặc biệt là các nội dung: VEC chủ động cân đối vốn từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay, vốn vay thương mại để hoàn thành đầu tư các gói thầu đoạn phía Tây (trước đây sử dụng vốn từ Hiệp định vay ADB lần 1 nhưng đã đóng); các công trình kiến trúc phục vụ thu phí hoàn vốn Dự án (trước đây sử dụng vốn từ Hiệp định vay JICA nhưng đã hủy tài trợ); đầu tư bổ sung nút giao Quốc lộ 51 theo quy mô hoàn chỉnh.
“Do thời hạn gấp, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến gửi Bộ GTVT trước ngày 1/11/2022 để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do VEC làm chủ đầu tư với tổng chiều dài dự án 57,8km, đi qua tỉnh Long An, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng; sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước.
Xuất hiện nhiều khó khăn….
Dự án chia thành 3 đoạn có tính chất độc lập tương đối, sử dụng các Hiệp định vay vốn khác nhau; thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 – 2020. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn và không điều chỉnh dự án nên phải dừng thi công từ năm 2019. Do thời gian dừng thi công kéo dài, một số nhà thầu đã rút bớt thiết bị, nhân công... khỏi công trường và giá gói thầu cũ không còn phù hợp nên một số nhà thầu đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Quá trình triển khai thực hiện các khó khăn, vướng mắc và một số giải pháp đã được Bộ GTVT, VEC tích cực triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ cụ thể.
Cụ thể, trong vai trò chủ quản dự án, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và thường xuyên làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ. Đến nay, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thông qua chủ trương tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn của Dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc
Đối với cơ chế nguồn vốn cho VEC, Quốc hội đã có Nghị quyết 63/2022/QH15 thông qua nguồn vốn ODA cho dự án "Chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước..."; nguồn vốn đối ứng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo VEC chịu trách nhiệm cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để thực hiện Dự án như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Công tác thanh toán các công việc đã hoàn thành, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC khẩn trương thanh toán cho các Nhà thầu để tiếp tục triển khai thi công lại dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã yêu cầu VEC với vai trò chủ đầu tư dự án chủ động, tích cực làm việc với các Bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh các thủ tục bố trí vốn cho Dự án cao tốc; tiếp tục đàm phán với các nhà thầu có liên quan có đề nghị chấm dứt hợp đồng để giải quyết các vướng mắc, tránh khiếu kiện và sớm triển khai lại dự án; xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết giải quyết các công việc để sớm tái khởi động Dự án, phấn đấu triển khai thi công trở lại trong năm 2022 nhằm hoàn thành Dự án vào năm 2023 theo kế hoạch.