Giải Ngân Đầu Tư Công Ì Ạch, Cần Đẩy Nhanh Tiến Độ Để Đạt 95% Kế Hoạch Trong Năm 2021
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021...
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Chính phủ thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn, tính đến 31/7/2021, chỉ đạt ở mức 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021. Con số này còn thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đang ghi nhận ở mức rất thấp (7,52%).
Nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động với nhiều biện pháp hiệu quả nên kết quả giải ngân đạt cao (trên 50%) như: Thái Bình (71%), Hưng Yên (65%), Hà Tĩnh (55,49%), Thái Nguyên (51,33%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Văn phòng Quốc hội (52,9%),... Đặc biệt, một số nơi phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng vẫn có kết quả tốt như Bắc Ninh (55,37%), Bình Phước (52,88%), Tiền Giang (50,90%).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp như: Bộ Thông tin và Truyền thông (0,40%), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (0,56%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (0,95%), Đài truyền hình Việt Nam (1,17%), Bộ Ngoại giao (2,57%), Hội nông dân Việt Nam (2,7%), Bắc Kạn (8,37%), Quảng Bình (15,46%),…
Hình minh họa (nguồn Internet)
Đặc biệt, một số cơ quan chưa giải ngân (0%), như: Ủy ban Dân tộc, Liên Minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Vì sao việc giải ngân vốn đầu tư công diễn ra chậm trễ?
Tỉ lệ giải ngân thấp đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của các dự án đầu tư công, cũng như lãng phí nguồn lực. Từ đó, sự tăng trường kinh tế, cùng với việc triển khai các chính sách tiền tệ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta đang phải chịu nhiều tác động do dịch Covid gây ra.
Việc giải ngân vốn đầu tư công diễn ra chậm bị tác động bởi nhiều nguyên nhân. Ở mặt khách quan, tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp và kéo dài, đã khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ yếu tố chủ quan, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Ở một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân. Những thủ tục, quy trình thanh toán quyết toán vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đồng thời, các công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý chưa diễn ra quyết liệt và nhanh chóng,…
Hình minh họa (nguồn Internet)
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021
Công điện nêu rõ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân trong 2021 đạt 95%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021.
Ngoài ra, đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn các dự án đầu tư công. Theo đó, các đơn vị phải thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đồng bộ các mục tiêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/06/2021, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.