HoREA: Buộc giao dịch BĐS thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền
Thứ hai, 12/09/2022 | Tin tức, Tin thị trường
Theo HoREA, việc bắt buộc các giao dịch BĐS phải thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền, đặc lợi cho những đơn vị này, đồng thời thiếu công bằng với chủ đầu tư.
Sàn giao dịch BĐS chỉ là đơn vị phục vụ nhu cầu mua, bán
Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) yêu cầu bắt buộc giao dịch BĐS qua các sàn giao dịch trước đây đã được quy định tại Điều 59 Luật Kinh doanh BĐS năm 2006. Nhưng quy định này đã được bãi bỏ từ Luật Kinh doanh BĐS năm 2014.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, sàn giao dịch và hoạt động môi giới có vị trí quan trọng và rất cần thiết trong thị trường BĐS, giữ vai trò cầu nối để kết nối cung - cầu, kết nối bên bán - bên mua; bên mua - bên bán; bên cho thuê - bên thuê giúp bên mua tìm kiếm được sản phẩm nhà đất phù hợp hoặc giúp bên bán tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, về bản chất sàn giao dịch BĐS chỉ là đơn vị làm dịch vụ phục vụ cho bên bán, hoặc phục vụ cho bên mua, hoặc phục vụ cả bên bán và bên mua nhà đất và được trả tiền công là phí dịch vụ.
Trả lại vai trò, vị trí cho môi giới BĐS
Theo HoREA, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước không quy định bắt buộc giao dịch phải qua sàn giao dịch, nhưng tại các nước công nghiệp phát triển mà xã hội và nền kinh tế có tính chuyên môn hoá rất cao, phân công xã hội rất cao nên tuyệt đại đa số giao dịch BĐS đều được thực hiện thông qua “Văn phòng môi giới” một cách tự nguyện và theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, người làm “môi giới BĐS” phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề, có mã số cá nhân môi giới.
Trên thực tế, các sàn giao dịch BĐS hoạt động rất “đìu hiu” trong các năm gần đây và nhiều sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, nên việc đề xuất quy định “bắt buộc giao dịch phải qua sàn giao dịch” sẽ là “phao cứu sinh”, tạo lại lợi thế và “đặc quyền, đặc lợi” cho lực lượng môi giới, sàn giao dịch.
Vấn đề mấu chốt cần đặt ra là trả lại đúng vai trò, vị trí của hoạt động môi giới, sàn giao dịch trong thị trường BĐS, đó là vai trò “cầu nối” kết nối bên bán với bên mua, giữ vai trò cung ứng dịch vụ bán hàng cho bên bán (là chủ đầu tư dự án hoặc chủ sở hữu BĐS) hoặc cung ứng dịch vụ mua BĐS cho bên mua.
Tránh bất cập, tạo “lợi ích nhóm”
HoREA cho rằng, nếu bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn sẽ tạo “đặc quyền” cho các sàn giao dịch. Quy định này trong dự thảo trong Luật Đất đai (sửa đổi) là không cần thiết.
Thứ nhất, quy định giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải thông qua sàn là không hợp lý, bởi lẽ “sàn giao dịch” không góp một đồng vốn nào với chủ đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoặc đầu tư xây dựng các công trình trong dự án, nhưng lại được “đặc quyền” bán sản phẩm của dự án.
Mặt khác, HoREA cũng quan ngại sàn giao dịch còn có thể “vô tình” chiếm dụng tiền thanh toán bán hàng của chủ đầu tư và nắm giữ được toàn bộ thông tin khách hàng, chủ đầu tư dự án bị “tách” khỏi thị trường BĐS và gần như bị lệ thuộc hoàn toàn vào sàn giao dịch và không thể làm tốt công tác hậu mãi, chăm sóc khách hàng.
Quy định giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải thông qua sàn giao dịch BĐS mà nếu được thông qua có thể chỉ làm lợi cho “một nhóm doanh nghiệp”.
Theo HoREA, để nhất quán với nguyên tắc về “áp dụng pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì cần quy định tương tự “việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh BĐS” phải “theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS” là phù hợp với nguyên tắc pháp luật.
Ngoài ra, bạn có thể xem thêm một số bài viết sau: