Khánh thành, khởi công 5 dự án trọng điểm ở TP HCM

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường kết nối và 20 km cao tốc Bến Lức - Long Thành được đưa vào khai thác; hai đoạn Vành đai 2 TP HCM được khởi công, sáng 19/4.

Sau hơn hai năm xây dựng, ga T3 Tân Sơn Nhất khánh thành sáng nay, vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch ban đầu. Đây là nhà ga nội địa lớn nhất nước với quy mô phục vụ 20 triệu lượt khách mỗi năm, nâng tổng công suất ở Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách.

Dự án có tổng đầu tư gần 11.000 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khởi công cuối năm 2022, trong đó gói thầu chính ga hành khách bắt đầu từ tháng 8/2023. Nhà ga T3 gồm ba hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn.

Bên trong ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Thanh Tùng

Trong đó, nhà ga có một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500 m2. Ga được thiết kế thành hai phần đi - đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 ki-ốt check in, 27 cửa ra máy bay... Hạng mục lớn khác là nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không gồm tổ hợp hai tầng hầm, 4 tầng nổi. Ngoài là nơi để xe, nơi đây bố trí các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng ăn uống phục vụ hành khách...

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - đơn vị triển khai toàn bộ hệ thống hạ tầng số tại nhà ga T3 đã hoàn thành việc tích hợp công nghệ hiện đại và đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đơn vị này cũng cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông luôn ở mức cao nhất, góp phần nâng tầm vị thế của sân bay Tân Sơn Nhất trên bản đồ hàng không quốc tế.

Trước lễ khánh thành nhà ga, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố triển khai thí điểm ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học làm thủ tục lên máy bay. Ảnh: Hạ Giang

Để kết nối vào nhà ga, TP HCM hôm nay cũng cho thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, nhằm khai thác đồng bộ giữa các công trình. Đây là công trình trọng điểm ở thành phố, khởi công cuối năm 2022 với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng.

Tuyến đường nối dài 4 km, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao giữa đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh. Công trình có tuyến chính rộng 29-48 m cho 6 làn xe, cùng hai đường nhánh kết nối, quy mô 3-4 làn. Trên tuyến có một cầu cạn xây trước ga T3 và hầm chui khu vực công viên Hoàng Văn Thụ. Dự án đưa vào khai thác ngoài kết nối ga T3 sẽ phá thế độc đạo lối ra vào sân bay duy nhất là đường Trường Sơn, kỳ vọng giảm ùn tắc cho khu vực.

Trong sáng nay, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cũng cho thông xe thêm đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua địa bàn TP HCM. Đoạn này dài khoảng 18 km, từ nút giao quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Tạo ở cửa ngõ phía tây thành phố.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành qua địa bàn TP HCM thông xe thêm đoạn gần 20 km. Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, cao tốc đã được VEC đưa vào sử dụng tạm đoạn đầu và cuối tuyến dài khoảng 11 km. Việc thông xe thêm đoạn đường nêu trên giúp tăng chiều dài khai thác tuyến đường này lên gần 30 km, trong tổng chiều dài gần 58 km toàn tuyến. Theo VEC, việc thông xe đoạn cao tốc nêu trên góp phần giảm áp lực giao thông cho cửa ngõ phía tây TP HCM, đặc biệt là kết nối các tỉnh miền Tây đến cảng Hiệp Phước.

Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, hiện giảm xuống còn 29.587 tỷ. Tuyến đường rộng 24 m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM. Tuy nhiên, dự án chậm triển khai do khó khăn về chính sách đầu tư, thiếu vốn.

Dịp này, TP HCM cũng khởi công hai gói thầu quan trọng rà phá bom mìn, di dời hạ tầng kỹ thuật hai dự án đoạn 1 và 2, thuộc tuyến Vành đai 2. Hai đoạn vành đai này nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, tổng chiều dài 6 km, tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng.

Hai dự án được giải phóng mặt bằng từ đầu, rộng 67 m, sau đó xây đường song hành hai bên, mỗi bên 3 làn xe và xây các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến dự trữ để triển khai sau này. Cả hai công trình dự kiến hoàn thành năm 2027.

Vành đai 2 TP HCM còn hai đoạn khác chưa khép kín. Trong đó, đoạn 3 cũng ở TP Thủ Đức, dài hơn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đang thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đoạn còn lại (đoạn 4) ở phía nam thành phố, dài 5,3 km nối quốc lộ 1 qua Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư.

Ngoài những dự án trên, hôm nay cả nước đồng loạt khánh thành, khởi công gần 80 công trình trọng điểm khác thuộc nhiều lĩnh vực với tổng số vốn khoảng 450.000 tỷ đồng.

Phối cảnh nút giao Bình Thái trên Vành đai 2 khi hoàn thiện. Ảnh: Ban Giao thông TP HCM

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc đồng loạt khánh thành, khởi công các công trình nằm trong chuỗi triển khai dự án trọng điểm mừng 50 năm ngày "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Trong đó, 47 công trình được khánh thành, đều mang tính chiến lược giúp mở ra không gian mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng miền cũng như cả nước.

Với riêng lĩnh vực giao thông, Thủ tướng cho biết những năm gần đây có sự chuyển mình rất lớn, đặc biệt là hệ thống cao tốc. Giai đoạn 2000-2020, mạng lưới cao tốc cả nước có chưa đến 1.000 km, thì tới cuối 2025 sẽ tăng lên 3.000 km, gấp 4 lần khối lượng đã thực hiện trong hai thập kỷ trước. Nhiều dự án quan trọng như ga T3 Tân Sơn Nhất cũng vượt tiến độ, giúp giảm tải cho sân bay và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài các công trình mới khánh thành, khởi công, lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết năm 2025 phải cơ bản hoàn thành các công trình lớn khác như: sân bay Long Thành, ga T3 Nội Bài, sân bay Gia Bình, Trung tâm triển lãm quốc gia Hà Nội... Ngoài ra, còn hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm khác trong nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thể thao... cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

"Đây đều là những công trình mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình thế và chuyển đổi trạng thái cho hạ tầng đất nước", Thủ tướng nói.

Theo VnExpress