Long An kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Long An có nhiều lợi thế để phát triển logistics. Đầu tiên, hạ tầng giao thông liên tục được đầu tư mở rộng. Nhiều dự án trọng điểm, mang tính liên kết vùng trên địa bàn đã và đang triển khai, như đường Vành đai TP. Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830, ĐT 830E, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành...
Thời gian tới, địa phương này sẽ mở rộng thêm hơn 50 và xây mới 29 tuyến đường tỉnh. Trong số này, có nhiều trục đường giữ vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực trung chuyển hàng hóa, kết nối những khu vực kinh tế trọng điểm, như đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu...
Với đường thủy, Long An có 2 con sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, kết nối các địa phương Đông và Tây Nam bộ ra biển. Đặc biệt, tỉnh có Cảng Quốc tế Long An, đang dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, dịch vụ để phục vụ xuất nhập khẩu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, với kế hoạch phát triển hạ tầng, thời gian tới, Long An hoàn toàn có thể trở thành địa phương giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông và Tây Nam bộ.
“Nhìn sang tỉnh Bình Dương có thể thấy, nhờ tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng, nên ngay cả những khu vực tưởng chừng không có tiềm năng phát triển cũng trở thành vùng, khu công nghiệp tốt. Trong khi đó, Long An còn loay hoay với hạ tầng trong nhiều năm nay”, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Long An xem logistics là ngành kinh tế quan trọng. Mục tiêu của tỉnh là trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia.
Trong đó, Dự án Cảng Quốc tế Long An đóng vai trò quan trọng, góp phần giảm tải áp lực cho các cụm cảng tại TP.HCM, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận tải thông qua kết nối thuận lợi, cùng nhiều chính sách ưu đãi.
Trong định hướng về logistics, Long An dự kiến quy hoạch 2 cảng cạn tại Bến Lức và Thủ Thừa, cùng 10 trung tâm logistics tại các huyện.
Theo bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M (Savills Việt Nam), có 3 lý do để tin vào sự phát triển của tỉnh Long An.
Thứ nhất, vị trí địa lý của Long An là một lợi thế đặc biệt thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại cũng như giao thông hậu cần.
Thứ hai, Long An là địa phương có diện tích lớn (4.492 km2) và quỹ đất trống còn nhiều. Đây là điểm cộng của thị trường Long An trong mắt các chủ đầu tư.
Thứ ba, Long An có nhiều cơ hội phát triển thị trường bất động sản công nghiệp.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cũng đánh giá, thời gian qua, Long An đã rất nỗ lực để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động và hiệu quả, đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, Long An đang tập trung phát triển đô thị. Đầu tư nâng cấp và phát triển đô thị sẽ tạo ra kết cấu hạ tầng tốt hơn, thu hút nhà đầu tư và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đối mặt không ít thách thức trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi..., nhưng Long An cũng có nhiều cơ hội và sẵn sàng bứt phá trong tương lai.
Theo báo Đầu tư