Sau 4 Đợt Sốt Đất, Thị Trường Nhà Đất Liệu Còn Hút Mạnh Dòng Tiền Đầu Tư?
Trong gần 30 năm qua, thị trường nhà đất biến động không ngừng. Song, giới chuyên gia vẫn đánh giá đây là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn dòng tiền nhà đầu tư.
Chu kỳ 7 năm - sốt đất, đóng băng một lần
Công ty Propzy đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về chu kỳ phát triển của BĐS trong vòng 28 năm (1993-2021). Kết quả cho thấy, thị trường nhà đất trong quá trình phát triển đã diễn ra các đợt nóng sốt và đóng băng, với chu kỳ 7-8 năm/lần.
Nhìn lại quá khứ, thị trường BĐS từng xảy ra cơn sốt đất đầu tiên vào 1993-1994. Tiếp theo là giai đoạn thị trường đóng băng 1995-1999. Phải đến 7 năm sau, chu kỳ sốt đất lặp lại vào năm 2000 và kéo dài đến các năm 2001-2002. Dư chấn của đợt sốt đất này đã khiến thị trường đóng băng trong thời gian dài, kéo dài từ 2003 đến tận 2006.
Với chu kỳ 7-8 năm, cơn sốt đất thứ ba diễn ra vào 2007-2008. Nhưng xuyên suốt 5 năm sau đó, từ cột mốc 2009 đến 2013, thị trường nhà đất đóng băng lần thứ ba. Đây là thời kỳ đóng băng lâu nhất trong vòng ba thập kỷ qua.
Hình minh họa (nguồn Internet)
Giai đoạn băng tan xuất hiện vào cuối 2014 và hình thành đợt sốt đất thứ 4 kéo dài đến tận 2019. Dấu hiệu hạ nhiệt xuất hiện từ cuối năm 2018 và kéo dài đến nay, với đà giảm tốc của thị trường mạnh dần.
Theo Propzy, các cơn sốt đất đều bị ảnh hưởng bởi chính sách nhà nước và yếu tố kinh tế vĩ mô, trong đó quan trọng nhất là lãi suất ngân hàng. Lãi suất cho vay thấp trong giai đoạn 2014-2018 và 2020-2021 góp phần tạo các cơn sốt đất. Trong khi, 3 lần thị trường nhà đất đóng băng đều có tác động của việc lãi suất tăng cao so với những thời điểm trước đó.
Nhu cầu đầu tư vào thị trường nhà đất vẫn cao
Theo chuyên gia, việc thị trường BĐS hình thành những cơn sốt đất và đóng băng là một quy luật tất yếu. Bởi thị trường hoạt động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên rất khó để giữ tính ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, dù “nóng” hay “lạnh”, thị trường nhà đất vẫn là mảnh đất có lực hút nhất định với nhiều nhà đầu tư.
Hình minh họa (nguồn Internet)
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Xây dựng từ các địa phương, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tổng bình quân lượng giao dịch BĐS thành công trong quý II/2021 đạt 29.949 giao dịch. Con số này tăng 18% so với quý I/2021 và đạt khoảng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, khu vực miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, miền Trung có 7.300 giao dịch và miền Nam có 16.265 giao dịch.
Dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid và cơn sốt đất, số lượng doanh nghiệp BĐS đăng ký mới tăng 44,8% trong 6 tháng đầu năm 2021. Số lượng doanh nghiệp quay lại trở lại hoạt động là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường nhà đất đang xuất hiện những dấu hiệu hồi phục, khi TP.HCM đang lên kế hoạch mở cửa kinh tế. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thay đổi các chính sách và hình thức bán hàng, nhằm thích nghi với sự biến động liên tục của thị trường. Các sàn giao dịch ghi nhận nhu cầu mua nhà của người dân khá tích cực. Đặc biệt là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao như TP.HCM, Hà Nội.