Tỉnh Long An "hút" dự án hơn 30 triệu Euro từ nhà đầu tư Đức

Liên tiếp các “ông lớn” FDI gần đây đã đổ tiền vào bất động sản công nghiệp tại tỉnh Long An. Mới nhất, một tập đoàn từ Đức đã thuê 60.000 m2 đất tại tỉnh để mở rộng quy mô nhà máy, với tổng vốn đầu tư dự án lên đến 30 triệu Euro…

Theo quy hoạch, đến năm 2030 tỉnh Long An sẽ có 51 khu công nghiệp - Ảnh minh họa.

Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư tại châu Âu (Pháp, Bỉ và Đức) diễn ra ngày 11 - 21/11 theo lời mời của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vừa qua Đồng Tâm Group và QuickPack đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư để cho thuê đất trong khu công nghiệp Đông Nam Á (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Theo thỏa thuận, QuickPack sẽ thuê 60.000 m2 đất để mở rộng quy mô nhà máy, với tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 30 triệu Euro. Đây là nhà máy sản xuất bao bì các loại dùng trong ngành thực phẩm lớn nhất khu vực Đông Nam Á của QuickPack.

Dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào năm 2025, được trang bị những thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới để sản xuất các mặt hàng cao cấp, với 100% sản phẩm dành cho thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Australia.

Chia sẻ tại buổi ký kết, ông Joerg Schwaderer, Chủ tịch QuickPack Group, cho biết từ khi gia nhập thị trường Việt Nam năm 2017 đến nay, công ty đã tăng sản lượng xuất khẩu từ hơn 50 TEUs lên 2.000 TEUs. Do đó, QuickPack quyết định tiếp tục mở rộng quy mô dự án 10 ha để tăng gấp đôi công suất của tập đoàn tại Việt Nam.

Trước đó, vào chiều ngày 17/11, Đoàn công tác tỉnh Long An và đại diện của Đồng Tâm Group đã đến tham quan nhà máy QuickPack ở Cologne. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết: “Cologne với thế mạnh về ngành công nghiệp và cơ khí chế tạo lại chính xác là những mục tiêu trọng tâm mà Long An đang quan tâm, thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Với sự tự tin và mạnh dạn của một chính quyền năng động, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư cả trong và nước ngoài. Theo mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn toàn phù hợp định hướng hợp tác phát triển với Đức”.

Long An là địa phương đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam và là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước.

Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) cũng cho biết sẽ chuyển 4 dây chuyền sản xuất từ nhà máy ở quận 12 (TP.HCM) về Dự án Suntory PepsiCo Long An.

Theo SPVB, việc chuyển các dây chuyền sản xuất này sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động và thuận lợi hơn cho sản xuất nhờ vào hệ thống giao thông, điện, nước và xử lý chất thải đã hoàn chỉnh tại Long An.

Đến nay, Long An tiếp tục thu hút đầu tư và tăng trưởng xuất nhập khẩu với nhiều kết quả tích cực. Hiện, toàn tỉnh Long An có 19.245 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 390 ngàn tỷ đồng, trong đó 2.244 dự án trong nước chiếm trên 473 ngàn tỷ đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An thu hút 95 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 640 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI lên 1.366 với vốn đăng ký trên 12,5 tỷ USD, nằm trong top 10 cả nước về thu hút FDI.

Về xuất nhập khẩu, Long An đạt kim ngạch khoảng 10,7 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024. Theo đó, xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 16,9%. Dự kiến cả năm, xuất khẩu của tỉnh đạt 7,5 tỷ USD và nhập khẩu 5,4 tỷ USD.

Theo VnEconomy