Lượng Vốn FDI Đổ Vào Việt Nam Tăng 4,4% Trong 9 Tháng
Bất chấp dịch Covid diễn biến phức tạp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp ngoại.
Thu hút vốn FDI đạt 22,15 tỷ USD trong 9 tháng
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, con số này tăng 4,4%. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Long An là tỉnh dẫn đầu thu hút nguồn vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. Con số này chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta từ đầu năm đến nay.
Hình minh họa (nguồn Internet)
Cụ thể, trong 9 tháng, có 1.212 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với vốn đăng ký gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn điều chỉnh có 678 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn hơn 6,4 tỷ USD, tăng 25,6%. 2.830 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ, việc suy giảm này xảy ra chủ yếu ở những nhóm dự án có nguồn vốn FDI dưới 5 triệu USD. Những nhóm dự án có quy mô trên 50 triệu USD thì vẫn duy trì tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm.
Các dự án đáng chú ý như doanh nghiệp LG Display của Hàn Quốc điều chỉnh tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD hồi cuối tháng 8. Ngoài ra, còn có nhà máy điện LNG Long An I, II của Singapore được cấp phép với tổng vốn đăng ký là trên 3,1 tỷ USD.
Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Từng có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang dần mất lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khi so với các nước như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Mexico, bởi tác động từ bức tranh tối màu mang tên dịch Covid. Nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ, đây là điều khá bất ngờ khi lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 9 tháng vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Hình minh họa (nguồn Internet)
Điển hình như lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, hai “ông lớn” là LG và Samsung vẫn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Đại diện các hiệp hội cho rằng, lượng đơn hàng FDI sụt giảm trong vài tháng gân đây, nhưng điều này không đồng nghĩa với doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam khẳng định, sẽ luôn lắng nghe các đề xuất của các doanh nghiệp FDI và cố gắng đáp ứng trong điều kiện cho phép. Đồng thời, đảm bảo việc duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bên cạnh các biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tiễn...
Hiện tại, khả năng kiểm soát dịch tại Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Cùng với đó, tỷ lệ tiêm chủng sớm đạt tỷ lệ 70% dân số sẽ góp phần hỗ trợ các nhà đầu tư có vốn FDI hạn chế được những biến động do dịch Covid gây ra. Trong thời gian tới, tuy còn nhiều thách thức phía trước, song Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp sở hữu nguồn vốn đầu tư nước ngoài.