4 Địa Phương Phối Hợp Thực Hiện Đường Vành Đai 3 TP.HCM
Thứ sáu, 27/11/2021 | Tin tức, Tin thị trường
Bộ GTVT kiến nghị UBND 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An rà soát, nghiên cứu các phương án triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị ba địa phương gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An cùng Ban quản lý dự án Mỹ Thuận sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của tuyến đường để trình cơ quan có thẩm quyền đánh giá và quyết định.
Trước đó, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về các dự án hạ tầng giao thông trong lĩnh vực hàng không, đường bộ. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị UBND TP tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, nghiên cứu các phương án triển khai dự án đường vành đai 3 để trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét và quyết định.
Đề nghị ba địa phương sớm đưa ra ý kiến
Trong văn bản, UBND TP đã đề nghị ba địa phương đưa ra ý kiến đối với quy mô đầu tư và các nội dung liên quan tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cùng với đó, ba tỉnh sớm có ý kiến đối với vấn đề khái toán chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn các tỉnh. Bên cạnh đó là khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn của ba tỉnh khi tham gia thực hiện dự án, để đưa ra giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ.
Đồng thời, UBND TP cũng kiến nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan gửi UBND ba tỉnh nói trên.
Sơ Đồ Tuyến Đường Vành Đai 3 TP.HCM
Theo kế hoạch, đường vành đai 3 sẽ gồm 8 làn xe cao tốc và đường song hành với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 165.000 tỉ đồng. Dự án có chiều dài là 91,66 km, giai đoạn 1 dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và được chia hai dự án thành phần.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 10 năm, tuyến đường phải hoàn thành xây dựng trước năm 2020. Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ có 16,3 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đưa vào hoạt động với quy mô 6 làn xe cơ giới.
Dự án vành đai 3 lo thiếu vốn
Qua trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho hay, tỉnh cũng có kiến nghị sớm triển khai đoạn đường đi qua tỉnh Long An. Tuy nhiên, hiện địa bàn tỉnh đang xin cơ chế kêu gọi đầu tư, do không có kinh phí GPMB.
Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương cũng có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành để đề xuất một số nội dung. Trong đó có kiến nghị Chính phủ nên có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ các địa phương và phù hợp với nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách theo quy định khi đầu tư các tuyến đường vành đai, cao tốc.
Theo địa bàn tỉnh, để GPMB tuyến đường vành đai 3 đi qua địa phận Bình Dương thì cần khoảng 37.620 tỉ đồng. Cùng với đó, triển khai xây dựng tuyến đường song hành trong giai đoạn 2021 – 2025 theo đề xuất của Bộ GTVT là vượt quá khả năng cân đối từ nguồn đầu tư công của tỉnh.
Do đó, Bình Dương đã đưa ra một đề xuất như bổ sung chi phí bồi thường mặt bằng một lần theo mặt cắt ngang hoàn chỉnh. Đồng thời, chi phí triển khai xây dựng đường song hành sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Cạnh đó là tăng tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương (từ 36% lên 50%) hoặc hỗ trợ nguồn vốn từ trung ương để thực hiện bồi thường, GPMB các dự án có tính chất liên vùng.
TP.HCM ưu tiên hoàn thiện 4 dự án trọng điểm
Bên cạnh dự án vành đai 3, UBND TP.HCM cũng xác định đường vành đai 2, dự án Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm và cần hoàn thành trước 2025.
4 Địa Phương Phối Hợp Thực Hiện Đường Vành Đai 3 TP.HCM
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Sở GTVT TP chủ động rà soát, xác định các nhiệm vụ, chiến lược giao thông vận tải trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện hoàn thành các dự án.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, đối với dự án đường vành đai 2, hiện Sở KH&ĐT đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để chuẩn bị đầu tư cho đoạn 1, đoạn 3 và đoạn 4. Dự kiến công trình này thông qua chủ trương đầu tư vào đầu năm 2022 và khởi công vào năm 2023.
Về dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Sở GTVT hiện đang trình UBND TP để duyệt quy hoạch. Song hành với tuyến đường này là nhà ga T3 cũng cần thực hiện trong cùng giai đoạn để đảm bảo tính đồng bộ.
Đồng thời, đại diện Bộ GTVT cũng nhấn mạnh tính quan trọng của đường vành đai 3. Đây là tuyến đường kết nối vùng đi qua bốn tỉnh liền kề, giúp kết nối giao thông, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Đặc biệt, đường vành đai 3 sẽ là điểm đầu của hàng loạt tuyến đường cao tốc kết nối với TP.HCM như TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài,…
Cường Thịnh Phát Group
Ngoài ra, bạn có thể xem thêm một số bài viết sau: