Khắc chế phân lô bán nền đất nông nghiệp tràn lan

Thứ năm, 26/05/2022  |  Tin tức, Tin thị trường

Trước tình trạng phân lô bán nền gây ra các cơn “sốt đất” nông nghiệp, một số địa phương ở phía Nam đang tìm giải pháp để khắc chế.

Thời gian qua, tình trạng mua đi bán lại đất nông nghiệp được ghi nhận rất sôi động ở một số địa phương phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh… Trong đó, đáng chú ý là tình trạng tự ý mở đường tách thửa đất nông nghiệp để phân lô bán nền.

Theo đó, giới “đầu nậu”, “cò đất”, “doanh nghiệp bất lương” đã lợi dụng chủ trương khuyến khích người dân “hiến đất làm đường” để làm những con đường “tạm bợ” nhằm mục đích phân lô trái phép, gây ra các cơn “sốt đất ảo” tại các địa phương.

Khắc chế phân lô bán nền đất nông nghiệp tràn lan

Khắc chế phân lô bán nền đất nông nghiệp tràn lan

Cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn phân lô bán nền

Các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng hiến đất làm đường, phân lô bán nền để trục lợi. Hiện, văn bản pháp lý đã có đầy đủ nhưng trên thực tế lại chưa làm theo đúng quy định.

Để hạn chế tình trạng này, trong tháng 5, tỉnh Đồng Nai đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, dự tính đất nông nghiệp đô thị diện tích tối thiểu để tách là 500m2 và khu vực nông thôn là 1.000 m2. Tuy nhiên, nhiều địa phương đề xuất nên có thêm các quy định để hạn chế tách thửa đất nông nghiệp ở những vùng chuyên canh, tránh “băm” nhỏ đất nông nghiệp.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương xây dựng thêm danh mục của từng xã, phường, thị trấn, trong đó quy định rõ diện tích tối thiểu cho tách thửa. Khi quyết định ban hành, các địa phương sẽ căn cứ vào danh mục trên để thực hiện.

Hay như tại “điểm nóng” Bình Phước, cách đây 2 tháng, UBND TP.Đồng Xoài đã quyết định tạm dừng tách thửa, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp từ ngày 22/3/2022 đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.

UBND TP.Đồng Xoài đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường cùng đơn vị có liên quan thực hiện công khai niêm yết tại UBND các phường, xã và nhà văn hóa các khu dân cư về danh mục các thửa đất hiện nay người sử dụng đất tự ý cưa cắt cây, san ủi mặt bằng, làm đường đi trên đất nông nghiệp có dấu hiệu phân lô, tách thửa không đúng quy định pháp luật.

Nên sửa đổi, bổ sung các quy định dưới Luật

Khắc chế phân lô bán nền đất nông nghiệp tràn lan

Khắc chế phân lô bán nền đất nông nghiệp tràn lan

Theo ông Trần Tương Quốc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng, quy định là công trình phải có giấy phép xây dựng. Con đường cũng là công trình xây dựng, phải có giấy phép, phù hợp quy hoạch, được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư mới được xây dựng. Còn lại, dù là hiến đất làm đường cũng phải chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài giải pháp từ phía địa phương, theo giới chuyên gia, hạn chế của Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai 2013 là chưa quy định cho phép “tách thửa đất” đối với “đất nông nghiệp nằm xen kẽ với đất ở trong cùng thửa đất, hoặc là thửa đất độc lập nằm xen kẽ trong đô thị, hoặc điểm dân cư nông thôn”.

Trên thực tế, có các thửa đất có nhà ở, chuồng trại, sân vườn có diện tích lớn nên khi thực hiện tách thửa dẫn đến hình thành đường giao thông, nhưng Luật Đất đai 2013 chưa quy định chặt chẽ với các trường hợp này.

Để không xảy ra tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhằm phân lô bán nền tràn lan như hiện nay, trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ hôm 23/5, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị sửa đổi quy định dưới Luật về tách thửa đất ở. Ngoài ra, phía HoREA cũng đề nghị bổ sung vào “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai” do “Dự thảo Nghị định” chưa có quy định nội dung này.

Cường Thịnh Phát Group

 

Ngoài ra, bạn có thể xem thêm một số bài viết sau: