Thị Trường BĐS 2022 Sẽ Ra Sao Khi Dòng Vốn Tín Dụng Bị Siết Chặt?
Thứ bảy, 12/02/2022 | Tin tức, Tin thị trường
Theo chuyên gia, việc siết chặt vốn tín dụng BĐS trong năm nay sẽ góp phần ngăn chặn việc đầu cơ. Tuy nhiên, “cơn sóng” của thị trường BĐS 2022 lại chưa thể “cắt” ngay lập tức.
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Siết chặt vốn tín dụng BĐS góp phần hạn chế đầu cơ
Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tính đến tháng 10/2021 là gần 2 triệu tỷ đồng, tăng 10,46%; chiếm gần 20% tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng BĐS chuyển dịch tích cực với 65% là phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng, chỉ 35% là cho vay kinh doanh BĐS (gần 700 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng lường trước khả năng dòng tiền đầu cơ tiếp tục quay vòng sang thị trường BĐS, chứng khoán. Do đó, cơ quan này đã có động thái siết chặt quản lý.
Nhìn nhận vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc siết chặt mức độ tập trung tín dụng đổ vào các doanh nghiệp BĐS, thận trọng khi cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này là những biện pháp cần thiết nhằm ổn định thị trường, ngăn chặn đầu cơ và bong bóng BĐS. Hơn nữa, các chính sách này còn góp phần “hạ nhiệt” BĐS trên cả nước.
Báo cáo thị trường 12/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp đua nhau tung khuyến mãi, cắt lỗ dịp cuối năm khiến lượng tin rao bán BĐS tăng 7% so với 11/2021 và tăng 13% so với cùng kỳ 2020; nhưng mức độ quan tâm thị trường BĐS lại giảm 3% so với tháng trước.
Trong đó tại Hà Nội, mức độ quan tâm BĐS giảm 5%, tại TP.HCM giảm 8%. Đặc biệt, chung cư, nhà riêng, nhà phố là những phân khúc ghi nhận mức giảm cao nhất toàn thị trường.
Thị trường BĐS 2022 giảm “nhiệt” nhưng vẫn sôi động
Báo cáo thị trường quý 4/2021 của Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung căn hộ mới tăng 42% so với quý III/2021 tương đương khoảng 4.500 căn. Về giao dịch, hoạt động mua bán sản phẩm biệt thự/nhà liền kề trong quý này đã được cải thiện. Đặc biệt, tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới đạt 83% nhờ vào các hoạt động huy động vốn của chủ đầu tư.
Còn theo thống kê của DKRA, giá nhà ở TPHCM trong quý 4/2021 tiếp tục leo thang do nguồn cung khan hiếm. Các đợt chào bán nhà trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm đa phần đều là mở bán giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ, giá bán đợt sau tăng trung bình 3 - 5% so với đợt mở bán trước.
TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá, thị trường BĐS luôn luôn tạo sức hút với nhà đầu tư. Việc kiểm soát chặt vốn tín dụng BĐS chỉ làm “hạ nhiệt” những “cơn sốt nóng” mang tính tiêu cực chứ không giảm đi tính sôi động chung của thị trường. Nhiều dòng tiền vẫn chọn đây là một kênh đầu tư an toàn. Do đó, triển vọng thị trường BĐS 2022 vẫn được đánh giá là đầy lạc quan và tích cực.
Giới chuyên gia dự đoán xu hướng nào sẽ xuất hiện?
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế cũng chia sẻ, dù dòng vốn tín dụng BĐS bị siết chặt, thị trường BĐS vẫn là “điểm sáng” đầy sôi động. Thời gian tới sẽ có một số xu hướng nổi bật như:
Xu hướng thứ nhất: Các tổ chức tín dụng, kể cả các công ty tài chính tiêu dùng vẫn sẽ tập trung tín dụng vào phân khúc ngân hàng bán lẻ và chiến lược chuyển đổi số trong thời gian tới.
Xu hướng thứ hai: Dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào cho vay mua nhà, bởi vì đây vẫn là chính sách được Nhà nước khuyến khích và cũng là nhu cầu thực tiễn. Năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có một số gói tài chính liên quan đến lĩnh vực nhà ở. Chắc chắn các tổ chức tín dụng sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để triển khai những chương trình đó.
Cường Thịnh Phát Group
Ngoài ra, bạn có thể xem thêm một số bài viết sau: