Loạt địa phương cấm phân lô tách thửa: sốt đất có hạ nhiệt?

Thứ sáu, 01/04/2022  |  Tin tức, Tin thị trường

Áp lực lạm phát cùng sự phát triển hạ tầng ở nhiều địa phương dẫn đến những cơn sốt đất từ Bắc đến Nam. Theo các chuyên gia, việc hạ nhiệt khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng mua gom đất rồi san nền, phân lô, tách thửa, làm giá chào bán tràn lan, gây nhiễu loạn thị trường nhà đất. Hiện, nhiều địa phương đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa; đồng thời có biện pháp kiểm soát các hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn.

“Sốt đất” trải dài từ Bắc đến Nam

Đơn cử như tại Bình Phước, giới đầu tư bất động sản từ nhiều nơi đã đổ về khu vực đường ĐT753 xã Tân Lợi để "săn đất", tạo nên cơn sốt đất tại đây.

Theo đó, nguyên nhân là do trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 20/3, UBND tỉnh Bình Phước đã có kiến nghị việc xây cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai để rút ngắn quãng đường 60km về Sân bay Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải. Theo ghi nhận từ xã Tân Lợi, giá đất khu vực dọc hai bên tuyến đường ĐT753 đã tăng hơn 30% so với trước ngày 20/3.

Loạt địa phương cấm phân lô tách thửa: sốt đất có hạ nhiệt? Loạt địa phương cấm phân lô tách thửa: sốt đất có hạ nhiệt?

Tương tự, tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi nhận cơn sốt đất diễn ra ở nhiều nơi như xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), xã Bình Châu, Bình Hải (huyện Bình Sơn), Đức Minh, Đức Lợi (huyện Mộ Đức),… Một số nhà môi giới cho biết, giá đất ở đây tăng cao từ khi các dự án du lịch tại bãi biển Mỹ Khê tái khởi động, nhu cầu mua đất để xây dựng nơi nghỉ dưỡng cho các gia đình lớn hơn. Tại một số nơi lượng cầu lớn hơn so với nguồn cung, giá đất thậm chí có thể tăng lên gấp đôi, gấp 3 lần.

Hay tại Gia Lai, “cơn địa chấn” của buổi đấu giá 104 lô đất tại P.Chi Lăng, TP. Pleiku cũng đã khiến giới đầu tư choáng váng. Tổng giá khởi điểm 104 lô đất là 21,7 tỉ đồng đã đội giá lên gấp nhiều lần với hơn 10.000 hồ sơ tham gia đấu giá, gây nên một cơn "sốt” bất thường.

Nhiều địa phương tập trung hạ nhiệt sốt đất

Nhận định về thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, giá đất hiện đang “thoát ly” giá trị thực, không phù hợp với “quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi”.

Để hạ nhiệt “sốt đất”, nhiều địa phương đã cũng đã "ra tay" tạm dừng cho phép phân lô tách thửa đất.

Hàng loạt địa phương “siết” phân lô bán nền

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi Trường Hà Nội đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng Đăng ký đất đai yêu cầu kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2017 đến 31-1-2022 đối với thửa đất có diện tích hơn 500m2.

Tại Bình Phước, ngày 22/3, UBND TP. Đồng Xoài cũng đã ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Theo đó, không thực hiện tách thửa (tất cả loại đất) đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Loạt địa phương cấm phân lô tách thửa: sốt đất có hạ nhiệt? Loạt địa phương cấm phân lô tách thửa: sốt đất có hạ nhiệt?

Tương tự tại Khánh Hòa, để ngăn chặn cơn sốt đất, tỉnh này cũng yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất... đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có.

Giải pháp này có thực sự hiệu quả?

Trước thông tin hàng loạt địa phương mạnh tay “siết” phân lô, bán nền để ngăn chặn sốt đất, các nhà môi giới cho rằng, thị trường đất nền sẽ có phần trầm lắng hơn. Trong khi đó, chuyên gia đánh giá việc này chỉ mang tính tạm thời; động thái này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Trong một chia sẻ mới đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau Luật Đất đai 2003, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã viết tay yêu cầu Nghị định 181 phải có điều cấm hoàn toàn phân lô bán nền ở khu vực đô thị và phát triển quy hoạch đô thị. Nhưng chỉ vài năm sau đó, quy định lại mở hơn, cho phép phân lô bán nền ở thị trấn và nông thôn. Đến Luật Đất đai 2013 thì cho phép chia lô bán nền ngay trung tâm thành phố.

"Điều này là không hợp lý nên cơ chế chia lô bán nền phải dứt khoát bỏ. Sốt đất đầu tiên là diễn ra ở phân khúc đất nền, sau đó mới ở loại đất khác", GS. Hùng Võ nói.

Cường Thịnh Phát Group

 

Ngoài ra, bạn có thể xem thêm một số bài viết sau: