Vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản

Thứ ba, 05/04/2022  |  Tin tức, Tin thị trường

Theo thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản xếp thứ 3 đạt 350,3 triệu USD. Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng hút mạnh dòng vốn FDI.

BĐS hút mạnh dòng vốn FDI

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (TCTK), vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành ước đạt 562.200 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn khu vực nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.

Vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản Vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản

Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn thực hiện. Ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bất động sản xếp thứ 3 đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%.

Dòng tiền nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam

Theo nội dung báo cáo, trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê, Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga cho biết, nếu phân tích chi tiết thì mức giảm trên vẫn thể hiện được yếu tố tích cực trong xu hướng thu hút dòng tiền nước ngoài.

Theo nội dung báo cáo, quý I/2022, số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I/2021. Điều này chứng tỏ Việt Nam là điểm đến an toàn của dòng vốn FDI, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Về số vốn đăng ký trong quý I/2022, vốn đăng ký FDI giảm 12,3% so cùng kỳ, bao gồm: Đăng ký cấp mới giảm 54,5%; được so sánh trên nền tăng cao vì yếu tố đột biến của cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án tỷ đô đăng ký mới cùng tổng số vốn đăng ký đạt 4,41 tỷ USD.

"Nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 thì vốn đăng ký cấp mới quý I/2022 vẫn tăng 14,2% so cùng kỳ, và tính chung vốn FDI đăng ký quý 1/2022 tăng 55,7% so cùng kỳ", bà Hương Nga cho hay.

Thu hút hiệu quả dòng vốn chất lượng cao

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản các khu công nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam đã đầu tư và đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy các hoạt động vận chuyển hàng, đi lại và sự giao lưu kinh tế - văn hóa thuận tiện giữa các địa phương trong nước.

Vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản Vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản

Phó Giám đốc Savills Việt Nam John Campbell cho rằng, bên cạnh việc mở cửa trở lại, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng phục hồi và thích ứng của doanh nghiệp cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn. Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.

Bước vào trạng thái bình thường mới, hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam đang mở hết tốc lực để “chạy đua” tìm kiếm những đối tác lớn, thu hút nguồn vốn FDI đến với địa phương mình. So với trước dịch Covid-19, dòng vốn này có phần chậm hơn, song chắc chắn là nơi đầu tư triển vọng trong năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ tích cực.

“Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến với Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Cường Thịnh Phát Group

 

Ngoài ra, bạn có thể xem thêm một số bài viết sau: